Bộ đề thi học kì 1 lớp 10 môn Văn có đáp án được seolalen.vn tổng hợp chi tiết sau đây được thực hiện theo hình thức, cấu trúc bám sát vào đề thi THPT do Bộ giáo dục và đào tạo ban hành. Bộ đề thi được chúng tôi chia sẻ sau đây sẽ giúp các em học sinh có thể chuẩn bị một kho tàng kiến thức mới, luyện tập hiệu quả, giúp các em đạt kết quả cao trong kỳ thi.
Top 9 đề thi học kì 1 lớp 10 môn Ngữ Văn năm học 2020 – 2021
Đề thi học kì 1 môn Văn 10 Đề 1
Mời thầy cô và các bạn học sinh tham khảo Bộ đề thi học 1 mới nhất của chúng tôi tại: Bộ đề thi học kì 1 lớp 10 môn Ngữ Văn năm học 2021 – 2022.
I. Đọc hiểu văn bản (3đ):
Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:
“… Có gì đâu, có gì đâu
Mỡ màu ít chắt dồn lâu hoá nhiều
Rễ siêng không sợ đất nghèo
Tre bao nhiêu rễ bấy nhiêu cần cù
Vươn mình trong gió tre đu
Cây kham khổ vẫn hát ru lá cành
Yêu nhiều nắng nỏ trời xanh
Tre xanh không đứng khuất mình bóng râm
Tay ôm tay níu tre gần nhau thêm…”
(Trích “Tre Việt Nam”, Nguyễn Duy)
Câu 1 (0,5đ): Cây tre ở đoạn thơ trên mang những phẩm chất gì?
Câu 2 (1đ): Các biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong đoạn thơ là gì? Nêu tác dụng.
Câu 3 (1,5đ): Viết đoạn văn ngắn trình bày cảm nhận của anh/chị về những đức tính quý báu được rút ra từ hình ảnh cây tre.
Mời các bạn tham khảo Bộ đề thi học kì mới nhất của chúng tôi tại: Bộ đề thi học kì 1 năm 2021 môn Văn lớp 10.
II. Làm văn (7đ):
Câu 1 (2đ): Nghị luận về tinh thần tương thân tương ái.
Câu 2 (5đ): Đóng vai Tấm kể lại chuyện Tấm Cám.
Đáp án đề thi học kì số 1: Đáp án Đề thi học kì 1 năm 2020 môn Văn 10 Đề 1.
Đề thi học kì 1 môn Văn 10 Đề 2
I. Đọc hiểu văn bản (3đ):
Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:
Chiếm hết chỗ
Một người ăn mày hom hem, rách rưới, đến cửa nhà giàu xin ăn. Người nhà giàu không cho lại còn mắng:
– Bước ngay! Rõ trông như người ở dưới địa ngục mới lên ấy!
Người ăn mày nghe nói, vội trả lời:
– Phải, tôi ở dưới địa ngục mới lên đấy.
Người nhà giàu nói:
– Đã xuống địa ngục sao không ở hẳn dưới ấy, còn lên đây làm gì cho bẩn mắt?
Người ăn mày đáp:
– Thế không ở được nên mới phải lên. Ở dưới ấy các nhà giàu chiếm hết cả chỗ rồi!
(Theo Trương Chính – Phong Châu, Tiếng cười dân gian Việt Nam)
Câu 1 (0,5đ): Nêu phương thức biểu đạt chính của câu chuyện.
Câu 2 (1đ): Người nhà giàu có thái độ gì với người ăn xin?
Câu 3 (1,5đ): Bài học được rút qua câu chuyện là gì?
II. Làm văn (7đ):
Câu 1 (2đ): Ý nghĩa của việc xin lỗi và cảm ơn.
Câu 2 (5đ): Cảm nghĩ của anh chị về thân phận người phụ nữ trong xã hội cũ qua một số bài ca dao than thân.
Đáp án đề thi học kì số 2: Đáp án Đề thi học kì 1 năm 2020 môn Văn 10 Đề 2.
Đề thi học kì 1 môn Văn 10 Đề 3
I. Đọc hiểu văn bản (3đ):
Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:
Khi tôi lên 8 hay 9 tuổi gì đó, tôi nhớ thỉnh thoảng mẹ tôi vẫn nướng bánh mì cháy khét. Một tối nọ, mẹ tôi về nhà sau một ngày làm việc dài và bà làm bữa tối cho cha con tôi. Bà dọn ra bàn vài lát bánh mì nướng cháy, không phải cháy xém bình thường mà cháy đen như than. Tôi ngồi nhìn những lát bánh mì và đợi xem có ai nhận ra điều bất thường của chúng và lên tiếng hay không. Nhưng cha tôi chỉ ăn miếng bánh của ông và hỏi tôi về bài tập cũng như những việc ở trường học như mọi hôm. Tôi không còn nhớ tôi đã nói gì với ông hôm đó, nhưng tôi nhớ đã nghe mẹ tôi xin lỗi ông vì đã làm cháy bánh mì. Và tôi không bao giờ quên được những gì cha tôi nói với mẹ tôi:
– Em à, anh thích bánh mì cháy mà.
Đêm đó, tôi đến bên chúc cha tôi ngủ ngon và hỏi có phải thực sự ông thích bánh mì cháy. Cha tôi khoác tay qua vai tôi và nói:
– Mẹ con đã làm việc rất vất vả cả ngày và mẹ rất mệt. Một lát bánh mì cháy chẳng thể làm hại ai con ạ, nhưng con biết điều gì thực sự gây tổn thương cho người khác không? Những lời chê bai trách móc cay nghiệt đấy.
Rồi ông nói tiếp:
– Con biết đó, cuộc đời đầy dẫy những thứ không hoàn hảo và những con người không toàn vẹn. Cha cũng khá tệ trong rất nhiều việc, chẳng hạn như cha chẳng thể nhớ được sinh nhật hay ngày kỷ niệm như một số người khác. Điều mà cha học được qua nhiều năm tháng, đó là học cách chấp nhận sai sót của người khác và chọn cách ủng hộ những khác biệt của họ. Đó là chìa khoá quan trọng nhất để tạo nên một mối quan hệ lành mạnh, trưởng thành và bền vững con ạ. Cuộc đời rất ngắn ngủi để thức dậy với những hối tiếc và khó chịu. Hãy yêu quý những người cư xử tốt với con, và hãy cảm thông với những người chưa làm được điều đó.
Câu 1 (0,5đ): Nêu phương thức biểu đạt chính của văn bản.
Câu 2 (0,5đ): Đặt nhan đề cho câu chuyện.
Câu 3 (0,75đ): Những lời nói của người cha thể hiện điều gì?
Câu 4 (1,25đ): Nêu ý nghĩa của câu chuyện?
II. Làm văn (7đ):
Câu 1 (2đ): Trình bày suy nghĩ của em về lối sống ích kỉ.
Câu 2 (5đ): Sau khi tự tử ở giếng Loa Thành, xuống thủy cung, Trọng Thủy đã tìm gặp lại Mị Châu. Hãy tưởng tượng và kể lại câu chuyện đó.
Đáp án đề thi học kì số 3: Đáp án Đề thi học kì 1 năm 2020 môn Văn 10 Đề 3.
Đề thi học kì 1 môn Văn 10 Đề 4
I. Đọc hiểu văn bản (3đ):
Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:
Một mai, một cuốc, một cần câu,
Thơ thẩn dầu ai vui thú nào.
Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ,
Người khôn, người đến chốn lao xao.
Thu ăn măng trúc, đông ăn giá,
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao.
Rượu đến bóng cây ta hãy uống,
Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao.
Câu 1 (0,5đ): Bài thơ được viết theo thể thơ nào? Tác giả là ai?
Câu 2 (0,5đ): Nêu những chi tiết miêu tả cuộc sống của tác giả?
Câu 3 (1đ): Nêu nét đặc sắc nghệ thuật của hai câu thơ:
Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ,
Người khôn, người đến chốn lao xao
Câu 4 (1đ): Qua bài thơ, anh/chị hiểu thế nào về cách sống của tác giả? Từ đó rút ra bài học gì cho bản thân?
II Làm văn (7đ):
Câu 1 (2đ): Cảm nhận của anh/chị về người phụ nữ xưa và nay.
Câu 2 (5đ): Cảm nhận về bài thơ Cảnh ngày hè của Nguyễn Trãi.
Đáp án đề thi học kì số 4: Đáp án Đề thi học kì 1 năm 2020 môn Văn 10 Đề 4.
Đề thi học kì 1 môn Văn 10 Đề 5
I. Đọc hiểu văn bản (3đ):
Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:
Trong cuộc đời bình yên tựa nghìn xưa
Gần gũi nhất vẫn là cây lúa
Trưa nắng khát ước về vườn quả
Lúc xa nhà nhớ một dáng mây
Một dòng sông, ngọn núi, rừng cây
Một làn khói, một mùi hương trong gió…
Có mấy ai nhớ về ngọn cỏ
Mọc vô tình trên lối ta đi
Dẫu nhỏ nhoi không đáng nhớ làm chi
Không nghĩ đến nhưng mà vẫn có.
(trích Cỏ dại – Vĩnh Linh)
Câu 1 (0,5đ): Đoạn thơ được viết theo thể thơ nào?
Câu 2 (0,5đ): Tác giả đã kể ra những sự vật gần gũi, thân quen nào?
Câu 3 (1đ): Trong những sự vật ở quê nhà gần gũi mà tác giả kể trên, theo anh/chị tác giả gửi gắm tình cảm vào sự vật nào nhiều nhất? Vì sao?
Câu 4 (1đ): Qua đoạn thơ trên, anh/chị hãy nêu cảm nghĩ về quê hương của mình.
II. Làm văn (7đ):
Câu 1 (2đ): Suy nghĩ của anh/chị về câu nói: “Tuổi trẻ như một cơn mưa rào, cho dù bị cảm, vẫn muốn quay lại để ướt thêm lần nữa”
Câu 2 (5đ): Cảm nhận về sự lạc quan, yêu đời của con người Việt Nam qua bài ca dao hài hước số 1.
Đáp án đề thi học kì số 5: Đáp án Đề thi học kì 1 năm 2020 môn Văn 10 Đề 5.
Đề thi học kì 1 môn Văn 10 Đề 6
I. Đọc hiểu văn bản (3đ):
Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:
“Bạn có thể không thông minh bẩm sinh nhưng bạn luôn chuyên cần và vượt qua bản thân từng ngày một. Bạn có thể không hát hay nhưng bạn là người không bao giờ trễ hẹn. Bạn không là người giỏi thể thao nhưng bạn có nụ cười ấm áp. Bạn không có gương mặt xinh đẹp nhưng bạn rất giỏi thắt cà vạt cho ba và nấu ăn rất ngon. Chắc chắn, mỗi một người trong chúng ta đều được sinh ra với những giá trị có sẵn.”
Câu 1 (0,5đ): Nêu câu chủ đề của văn bản.
Câu 2 (1đ): Từ đoạn văn trên, anh/chị hãy kể ra những “giá trị có sẵn tốt đẹp” của bản thân mình.
Câu 3 (1,5đ): Đoạn văn giúp anh/chị nhận ra điều gì?
II. Làm văn (7đ):
Câu 1 (2đ): Trình bày suy nghĩ của anh/chị về trách nhiệm của tuổi trẻ đối với quê hương đất nước.
Câu 2 (5đ): Phân tích bài thơ Nhàn của tác giả Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Đáp án đề thi học kì số 6: Đáp án Đề thi học kì 1 năm 2020 môn Văn 10 Đề 6.
Đề thi học kì 1 môn Văn 10 Đề 7
I. Đọc hiểu văn bản (3đ):
Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:
“Cho” và “nhận” là hai khái niệm tưởng chừng như đơn giản nhưng số người có thể cân bằng được nó lại chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Ai cũng có thể nói “Những ai biết yêu thương sẽ sống tốt đẹp hơn” hay “Đúng thế, cho đi là hạnh phúc hơn nhận về”. Nhưng tự bản thân mình, ta đã làm được những gì ngoài lời nói? Cho nên, giữa nói và làm lại là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Hạnh phúc mà bạn nhận được khi cho đi chỉ thật sự đến khi bạn cho đi mà không nghĩ ngợi đến lợi ích của chính bản thân mình. Đâu phải ai cũng quên mình vì người khác. Nhưng xin đừng quá chú trọng đến cái tôi của chính bản thân mình. Xin hãy sống vì mọi người để cuộc sống không đơn điệu và để trái tim cỏ những nhịp đập yêu thương.
(Trích “Lời khuyên cuộc sống…”)
Câu 1 (0,5đ): Nêu câu chủ đề của văn bản?
Câu 2 (1đ): Nêu nội dung chính của đoạn trích.
Câu 3 (1,5đ): Đoạn trích giúp anh/chị nhận ra bài học gì?
II. Làm văn (7đ):
Câu 1 (2đ): Suy nghĩ về lối sống lai căng của giới trẻ hiện nay.
Câu 2 (5đ): Cảm nghĩ của anh chị về thân phận người phụ nữ trong xã hội cũ qua một số bài ca dao than thân.
Đáp án đề thi học kì số 7: Đáp án Đề thi học kì 1 năm 2020 môn Văn 10 Đề 7.
Đề thi học kì 1 môn Văn 10 Đề 8
I. Đọc hiểu văn bản (3đ):
Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:
Trên mạng xã hội, mỗi người là một ông bầu của chính mình trong cuộc xây dựng cho mình một hình ảnh cá nhân. Chúng ta đã trở nên kỳ quặc mà không hề biết. Hãy hình dung cách đây mười năm, trong một buổi họp lớp, một người bỗng nhiên liên tiếp quẳng ảnh con cái, ảnh dã ngoại công ty, ảnh con mèo, ảnh bữa nhậu, ảnh lái ô tô, ảnh hai bàn chân mình, ảnh mình trong buồng tắm lên bàn – chắc hẳn người đó sẽ nhận được những ánh mắt ái ngại (…)
Chiếc smartphone đã trở thành một ô cửa nhỏ dẫn người ta thoát khỏi sự buồn chán của bản thân, và cái rung nhẹ báo tin có thông báo mới của nó bao giờ cũng đầy hứa hẹn. Nhưng càng kết nối, càng online, thì cái đám đông rộn ràng kia lại càng làm chúng ta cô đơn hơn. Chỗ này một cái like, chỗ kia một cái mặt cười, khắp nơi là những câu nói cụt lủn, phần lớn các tương tác trên mạng hời hợt và vội vã. Càng bận rộn để giao tiếp nhiều thì chúng ta lại càng không có gì để nói trong mỗi giao tiếp. Ngược với cảm giác đầy đặn, được bồi đắp khi chúng ta đứng trước thiên nhiên hay một tác phẩm nghệ thuật lớn, trên mạng xã hội ta bị xáo trộn, bứt rứt, và ghen tị với cuộc sống của người khác như một người đói khát nhìn một bữa tiệc linh đình qua cửa sổ mà không thể bỏ đi. Đêm khuya, khi các chấm xanh trên danh sách friend dần dần tắt, người ta cuộn lên cuộn xuống cái news feed để hòng tìm một status bị bỏ sót, một cứu rỗi kéo dài vài giây, một cái nhìn qua lỗ khóa vào cuộc sống của một người xa lạ, để làm tê liệt cảm giác trống rỗng.
(Trích Bức xúc không làm ta vô can, Đặng Hoàng Giang)
Câu 1 (0,5đ): Đoạn trích trên bàn về ảnh hưởng của mạng xã hội đến đời sống tinh thần hay vật chất?
Câu 2 (0,5đ): Theo tác giả, chiếc smartphone đem đến cho con người những lợi ích và tồn tại gì?
Câu 3 (1đ): Tại sao tác giả cho rằng, những trải nghiệm trên mạng xã hội sẽ “ngược với cảm giác đầy đặn, được bồi đắp khi chúng ta đứng trước thiên nhiên hay hay một tác phẩm nghệ thuật lớn”?
Câu 4 (1đ): Qua những cảnh báo trong đoạn trích, anh/chị rút ra bài học gì?
II. Làm văn (7đ):
Câu 1 (2đ): Nghị luận về câu nói: “Nghị lực và bền bỉ có thể chinh phục được mọi thứ”.
Câu 2 (5đ): Cảm nghĩ của anh/chị về thân phận người phụ nữ trong xã hội cũ qua một số bài ca dao than thân.
Đề thi học kì 1 môn Văn 10 Đề 9
I. Đọc hiểu văn bản (3đ):
Đọc đoạn thơ sau và trả lời các câu hỏi:
Bức tranh của tôi
Tường nhà tôi thường treo nhiều tranh
Đẹp nhất vẫn là bức tranh màu xanh
Cửa sổ
Khói trắng giăng giăng ngang tầm thành phố
Dãy núi lam sương, cánh đồng biếc mạ…
Và rung rinh vài nhánh cây, chùm quả
Cùng với những gì gọi là cuộc đời
Tất cả dẫm trên nền vĩnh cửu: bầu trời
Bức tranh màu xanh tôi thường say ngắm nhất
Mỗi tia sáng làm đổi thay màu sắc
Mỗi hạt mưa, làn sương, cánh chim
Đã khảm vào tôi từ thuở biết nhìn
Và phác trong tôi bao đường nét bình yên
Rồi một sáng tôi nghe lời bức tranh đằm thắm:
“- Anh không thể chỉ đắm say đứng ngắm
Anh phải là một nét vẽ dẫu đơn sơ”
(Nguyễn Duy, trích từ tập thơ Cát trắng, NXB Quân đội nhân dân, 1973)
Câu 1 (0,5đ): Xác định phong cách ngôn ngữ của văn bản?
Câu 2 (0,5đ): Theo tác giả, bức tranh nào là đẹp nhất? Bức tranh ấy được vẽ lên bởi những màu sắc, hình ảnh nào?
Câu 3 (1đ): Chỉ ra và nêu tác dụng của một biện pháp tu từ được nhà thơ sử dụng trong các dòng thơ sau:
Mỗi tia sáng làm đổi thay màu sắc
Mỗi hạt mưa, làn sương, cánh chim
Đã khảm vào tôi từ thuở biết nhìn
Và phác trong tôi bao đường nét bình yên
Câu 4 (1đ): “Bức tranh màu xanh” được nói đến trong đoạn trích gợi cho anh/chị suy nghĩ gì?
II. Làm văn (7đ):
Câu 1 (2đ): Nêu suy nghĩ của anh/chị về sự cần thiết trong việc rèn luyện sự tự tin cho giới trẻ.
Câu 2 (5đ): Suy nghĩ của anh/chị về quan niệm sống “Nhàn” của Nguyễn Bỉnh Khiêm.
TOP 5 Đề thi học kì 1 Văn 10 (Có ma trận, đáp án)
Đề thi học kì 1 Văn 10 năm 2021 – Đề 1
Ma trận đề thi học kì 1 Văn 10
SỞ GD&ĐT ……. TRƯỜNG THPT………. |
KỲ THI HỌC KÌ I NĂM HỌC 2021 – 2022 Môn: Ngữ Văn lớp 10 Thời gian thi: 90 phút (không kể thời gian giao đề) Ngày thi: …/…/2021 |
|
|||||
Mức độ / Chủ đề |
|
Nhận biết |
Thông hiểu |
Vận dụng thấp |
Vận dụng cao |
Cộng |
|
I. Đọc –hiểu |
|
Tác giả,tác phẩm, xuất xứ của tác phẩm,thể loại |
Nắm được nội dung các chi tiết trong văn bản |
Nhận xét về giá trị nội dung trong văn bản |
|
|
|
Số câu Số điểm Tỉ lệ |
|
1 0,5 đ 5% |
1 0,5 đ 5 % |
1 1 đ 10 % |
|
3 câu 2,0 đ 20 % |
|
II. Làm văn |
NLXH |
|
|
Viết được đoạn văn NLXH |
1 câu 2,0 đ 20% |
||
|
Tự sự (biểu cảm) |
|
|
Viết được bài văn tự sự kết hợp với miêu tả, biểu cảm( hoặc bài văn biểu cảm kết hợp với tự sự và miêu tả) |
1 câu 6,0 đ 60% |
||
Số câu Số điểm Tỉ lệ |
|
|
|
2 câu 7,0 đ 70 % |
2 câu 7,0 đ 70% |
||
TS câu TS điểm Tỉ lệ |
|
|
|
|
5câu 10 điểm 100 % |
||
Đề thi học kì 1 Văn 10
I. PHẦN ĐỌC – HIỂU (2 điểm):
Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi ở dưới:
“Làng kia có một viên lí trưởng nổi tiếng xử kiện giỏi. Một hôm nọ, Cải với Ngô đánh nhau, rồi mang nhau đi kiện.Cải sợ kém thế lót trước cho thầy lí năm đồng. Khi xử kiện thầy lí nói :
-Thằng Cải đánh thằng Ngô đau hơn, phạt một chục roi.
Cải vội xòe tay năm ngón, ngẩng mặt nhìn thầy lí, khẽ bẩm:
-Xin xét lại , lẽ phải về con mà!
Thầy lí cũng xòe năm ngón tay trái úp lên trên năm ngón tay mặt nói :
-Tao biết mày phải nhưng nó phải bằng hai mày”
(Theo tiếng cười dân gian Việt Nam)
Câu 1 (0,5 điểm): Phương thức biểu đạt của đoạn văn trên là gì?
Câu 2 (0,5 điểm): Hành động xòe năm ngón tay trái úp lên năm ngón tay mặt có ý nghĩa gì?
Câu 3 (1 điểm): Từ “ phải” trong văn bản có ý nghĩa gì? Tác giả dân gian đã sử dụng nghệ thuật nào qua từ “phải”?
II. PHẦN LÀM VĂN: (8 điểm)
Câu 1. Nghị luận xã hội: (2 điểm)
Suy nghĩ về nhường nhịn trong cuộc sống con người.
Câu 2. Nghị luận văn học: (6 điểm)
Nêu cảm nhận của em về nhân vật Tấm trong truyện cổ tích Tấm Cám.
Đáp án đề thi học kì 1 lớp 10 môn Văn
I. PHẦN ĐỌC – HIỂU :
Câu 1(0,5 điểm): Phương thức biểu đạt tự sự
Câu 2(0,5 điểm): Hành động xòe năm ngón tay trái úp lên năm ngón tay mặt có nghĩa là : số tiền bỏ ra phải gấp đôi
Câu 3 (1 điểm): “Phải” một là lẽ phải, cái đúng
“Phải” hai : bắt buộc, là số tiền cần phải có
Nghệ thuật : chơi chữ
II. PHẦN LÀM VĂN TỰ SỰ (8 điểm):
1. Nghị luận xã hội: (2 điểm)
Viết đoạn văn khoảng 100 chữ
– Nội dung: Cần đảm bảo các ý sau:
+ Nhường nhịn được coi là phương châm đối nhân xử thế hàng ngày.
+ Đức tính nhường nhịn được thể hiện ở một con người điềm đạm khoan dung vị tha và họ luôn được mọi người yêu quý nhưng rất kính trọng.
+ Nhường nhịn có nghĩa là cảm thông thông cảm và tha thứ cho nhau.
+ Người biết suy xét kĩ biết nhường nhịn sẽ giúp họ làm chủ được mình “một điều nhịn là chín điều lành”. Họ có những lời nói cử chỉ hành động nhẹ nhàng từ tốn.
2. Nghị luận văn học: (6 điểm) Văn Biểu cảm
a. Yêu cầu về kĩ năng:
– Biết cách làm bài văn biểu cảm
– Kết cấu rõ ràng, diễn đạt lưu loát, trong sáng ; có chính kiến, có tính biểu cảm. Hạn chế tối đa các lỗi: chính tả, dùng từ, viết câu…
– Chữ viết rõ ràng, bài sạch sẽ.
b. Yêu cầu về kiến thức: Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách nhưng cần đạt được các nội dung cơ bản sau:
– Tấm tiêu biểu cho phẩm chất của người phụ nữ Việt Nam: chịu thương, chịu khó, siêng năng, chăm chỉ,…
– Số phận bất công đã để cho cô Tấm nết na hiếu thảo sớm phải sống cảnh mồ côi, sớm phải chịu đựng những đày đoạ hành hạ của cuộc sống “Mẹ ghẻ con chồng”.
– Nhưng đôi khi ta lại lại bắt gặp hình ảnh cô Tấm quá yếu ớt, thụ động.
– Sự thần kì giờ đây đến từ sức mạnh nội tại, chiến đấu giữ vững hạnh phúc, thực thi công lý báo thù. Tấm trở nên mạnh mẽ, quyết liệt bên cạnh bản tính hiền lành, nhân hậu vốn có của mình.
– Tấm sau những đọa đày đau khổ vươn mình lớn dậy, tự mình đấu tranh, kiên quyết chống lại sự hãm hại của mẹ con Cám. Với sức sống mãnh liệt Tấm đã chiến thắng, đã giành lại hạnh phúc cho mình, không cần Bụt, Tiên nữ.
– Hình ảnh cô Tấm giúp phần nào phản ánh được cuộc trường chinh mà nhân dân lao động đã đi qua trong một phần quá khứ xa xưa của dân tộc. Những kiếp người nhọc nhằn, cơ cực nhưng bao giờ cũng khoẻ khoắn, lành mạnh, cao quý và dồi dào sức sống. Chính họ, trong những năm tháng nghèo nàn nhất của lịch sử đã cho chúng ta thấy được sự giàu có đến vô cùng trong đời sống tinh thần của dân tộc Việt. Cô Tấm không chỉ là sự hiện diện của một cuộc đời, một tâm hồn cụ thể.
* Lưu ý:
– Chỉ cho điểm tối đa khi học sinh đạt cả yêu cầu về kỹ năng và kiến thức.
– Nếu học sinh có suy nghĩ riêng mà hợp lí thì vẫn được chấp nhận.
Đề thi học kì 1 Văn 10 năm 2021 – Đề 2
Đề kiểm tra cuối kì 1 môn Văn 10
Phần I. Đọc hiểu (3,0 điểm)
a. Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi từ câu 1 đến câu 3
Trong đời sống chúng ta, thứ tài sản thường bị hủy hoại, lãng phí nhiều nhất là nước. Trong ý thức nhiều người, nước là thứ trời sinh, có thể sử dụng “vô tư” “xả láng”, không cần giữ gìn gì hết! Nhưng đó là nhầm lẫn lớn của một tầm mắt hạn hẹp
Các nhà khoa học đã cho biết nước ngọt trên trái đất này là có hạn. Tổng số nước ngọt trên trái đất ước tính chỉ có chưa đến một tỉ ki lô mét khối. Số nước đó được coi là đủ cho năm 1990 khi nhân loại có 3 tỉ người. Dự kiến đến năm 2025 nhân loại sẽ thêm ba tỉ người nữa, thành sáu tỉ người thì nguồn nước lấy đâu cho đủ?
Trên thế giới không phải nước nào cũng may mắn được trời cho đủ nước ngọt để dùng. Nước Xinh – ga – po hoàn toàn không có nước ngọt, phải mua nước của Ma – lai – xi – a về chế biến. Một số nước ở Cận Đông cũng xảy ra tranh chấp về nguồn nước. Trong khi đó, công nghiệp càng phát triển thì lượng nước dùng trong công nghiệp càng nhiều, nước thải công nghiệp càng làm cho sông ngòi, ao hồ bị ô nhiễm, làm giảm lượng nước ăn, chăn nuôi và trồng trọt.
Liên hợp quốc đã ra lời kêu gọi bảo vệ nguồn nước ngọt, chống ô nhiễm, …. Chúng ta hãy tiết kiệm nước, giữ gìn nước cho chúng ta và cho mai sau
(Theo Thanh Ba, báo Nhân dân Chủ nhật)
b.Thực hiện các yêu cầu sau:
1.Xác định phương thức biểu đạt chính trong văn bản trên?(1,0 điểm)
2.Anh (chị) hãy đặt nhan đề cho văn bản trên? (1,0 điểm)
3.Tác giả đã bày tỏ thái độ gì đối với hiện tượng được đề cập đến? (1,0 điểm)
Phần II. Làm văn (7,0 điểm)
Cảm nhận của anh( chị) về vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi được thể hiện trong bài thơ “Cảnh ngày hè”(Bảo kính cảnh giới – bài 43)
Rồi hóng mát thuở ngày trường,
Hòe lục đùn đùn tán rợp giương.
Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ,
Hồng liên trì đã tiễn mùi hương.
Lao xao chợ cá làng ngư phủ,
Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương.
Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng,
Dân giàu đủ khắp đòi phương.
(Theo Hợp tuyển thơ văn Việt Nam, tập II- Văn học thế kỉ X- thế kỉ XVII)
Đáp án đề thi học kì 1 lớp 10 môn Văn
Phần I. Đọc hiểu (3 điểm)
Câu 1. Phương thức biểu đạt chính trong văn bản trên là: Nghị luận
-Điểm 1: Trả lời đúng theo cách trên
-Điểm 0:Trả lời sai hoặc không trả lời
Câu 2.Văn bản trên tác giả đề cập đến vấn đề : xin đừng lãng phí nước
Mỗi học sinh có thể đặt nhan đề khác nhau miễn là phù hợp với nội dung văn bản.
-Điểm 1: Đặt nhan đề phù hợp
-Điểm 0: Đặt nhan đề không phù hợp nội dung hoặc không đặt được nhan đề
Câu 3. Thái độ của tác giả đối với hiện tượng được đề cập đến là:lo lắng, trăn trở , kêu gọi hành động.
-Điểm 1: Trả lời đúng ý trên
-Điểm 0,5: Trả lời chưa đầy đủ
-Điển 0: Trả lời sai hoặc chưa trả lời
Phần II. Làm văn(7 điểm)
Hướng dẫn chấm.
1.Yêu cầu về kĩ năng:
Biết cách làm bài văn nghị luận về một bài thơ, đoạn thơ, vận dụng các kĩ năng, các thao tác nghị luận để làm rõ vẻ đẹp của đoạn thơ trên cơ sở định hướng của đề ra. Kết cấu chặt chẽ, diễn đạt lưu loát; không mắc lỗi chính tả, đúng từ, ngữ pháp.
2.Yêu cầu về nội dung kiến thức:
*Giới thiệu về tác giả, tác phẩm, nội dung nghị luận
* Cảm nhận vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi:
-Tâm hồn yêu thiên nhiên; tâm hồn yêu đời, yêu cuộc sống…(Dẫn chứng)
-Tấm lòng ưu ái với dân, với nước…(Dẫn chứng)
-Cảm nhận vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi từ những nét đặc sắc nghệ thuật của bài thơ: Bình dị, tự nhiên, đan xen câu lục ngôn vào bài thơ thất ngôn. Hệ thống ngôn từ giản dị, tinh tế, xen lẫn từ Hán và điển tích. Sử dụng từ láy độc đáo, dùng những động từ mạnh…
* Đánh giá chung
Biểu điểm:
-Điểm 6-7: Đáp ứng đầy đủ các yêu cầu trên, có thể còn một vài sai sót nhỏ về diễn đạt.
-Điểm 4-5:Đáp ứng phần lớn các yêu cầu trên, còn một vài sai sót nhỏ về diễn đạt.
-Điểm 3-3,5 : Đáp ứng được 1/2 các yêu cầu trên, còn mắc khá nhiều lỗi về diễn đạt.
-Điểm 1: Bài làm sai lạc về kiến thức và kĩ năng hoặc diễn đạt lủng củng, tối nghĩa.
-Điểm 0: Không làm bài.
Lưu ý chung: Người chấm không đếm ý cho điểm, cần dựa vào tổng thể bài viết của học sinh để cân nhắc và cho điểm hợp lý.
Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 10
Bộ đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 10 có đáp án kèm theo rất chi tiết vì thế các em học sinh hoàn toàn có thể chủ động sắp xếp thời gian ôn tập ngay tại nhà. Qua kết quả bài làm, các em cũng xác định được chính xác nhất lực học của mình để từ đó xây dựng cho mình kế hoạch học tập, ôn thi môn Ngữ văn sao cho phù hợp nhất, giúp các em học tốt môn Ngữ văn trên lớp và đạt được kết quả cao trong kì thi hết học kì 1 sắp tới.
20 Đề Thi Học Kỳ 1 Ngữ Văn 10 Có Đáp Án
20 đề thi học kỳ 1 Ngữ văn 10 có đáp án rất hay được viết dưới dạng file word và PDF gồm 37 trang. Bộ đề thi được tổng hợp từ SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO QUẢNG NAM; TRƯỜNG THPT GIA NGHĨA ĐĂK NÔNG; TRƯỜNG THPT PHAN NGỌC HIỂN CÀ MAU; Trường THPT Đồng Xoài; TRƯỜNG THPT NGÔ LÊ TÂN BÌNH ĐỊNH; TRƯỜNG THPT ĐỒNG BÀNH LẠNG SƠN; SỞ GIÁO DỤC & ĐÀO TẠO TỈNH BRVT…Các bạn xem và tải về ở dưới.
Trên đây là cập nhật link tải bộ đề thi học kì 1 lớp 10 môn Văn có đáp án update mới nhất 2022. Trong quá trình tải về máy, nếu còn bất cứ thắc mắc nào hãy để lại comment để được chúng tôi hỗ trợ. Trân trọng!